Hạn chế dùng nước ngầm vì sức khỏe người dân 

Các chuyên gia cho rằng người dân nên hạn chế sử dụng nước ngầm nhằm bảo vệ môi trường và giảm nguy cơ mắc một số loại bệnh, ảnh hưởng sức khỏe con người.

Ngày 27-4, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đảm bảo nguồn cung ứng nước sạch, hạn chế khai thác nước ngầm”.

Cần hạn chế khai thác nước ngầm
Tại hội thảo, TS Hà Quang Khải, Khoa môi trường và tài nguyên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: Từ năm 2000 trở lại đây, nước ngầm có vai trò quan trọng trong việc cấp nước, sinh hoạt và phát triển kinh tế, với 300.000 m3/ngày và tăng liên tục với 700.000 m3 (năm 2012). Nguyên nhân là mạng lưới cấp nước còn hạn chế nên người dân buộc phải sử dụng nước ngầm.

Đoàn chuyên gia tham quan nhà máy xử lý nước ở Công ty CP Cấp nước Thủ Đức. Ảnh: ĐT
 

Ông Khải cho rằng nếu chúng ta khai thác quá nhiều, tập trung một chỗ sẽ làm hạ thấp mực nước. Tình trạng này dẫn đến một số vấn đề liên quan như sụt lún mặt đất (khu vực các huyện Bình Chánh, Cần Giờ hay Nhà Bè…), tốc độ sụt lún gia tăng hơn, cao nhất là 4 cm/năm.

Không chỉ vậy, nếu chúng ta khai thác quá nhiều lỗ khoan ở từng hộ gia đình sẽ làm ô nhiễm từ trên bề mặt thấm xuống các tầng nước sâu. Nguồn nước hạ thấp sẽ làm chênh lệch áp lực nên mức độ thấm từ trên mặt đất sẽ nhanh hơn.

Trước thực trạng trên, TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp như trám lấp giếng khoan, nhiều chính sách để hạn chế khai thác nước ngầm... nhằm giảm rủi ro ô nhiễm nguồn nước.

Ông Đào Phú Khánh, Trưởng Khoa sức khỏe môi trường Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (viết tắt là trung tâm), cho biết từ năm 2017 HĐND TP.HCM đã yêu cầu phải đảm bảo cung cấp nước sạch 100% cho người dân. Đến năm 2018, với sự phấn đấu của cả hệ thống chính trị, 100% người dân đã sử dụng nước sạch.

Ông Khánh cho biết việc vận động người dân sử dụng từ giếng khoan sang nước máy cần có một quá trình, bởi vấn đề này đã ăn sâu vào tư tưởng của người dân. Người dân không sử dụng nước máy cũng có thể là do thói quen, do muốn tiết kiệm tiền nước, phí bảo vệ môi trường…

Kiến nghị cho sử dụng biểu giá nước linh hoạt

Ông Đào Phú Khánh cho biết việc sử dụng nước ngầm tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ra các bệnh cấp tính hoặc mạn tính như tiêu chảy, thương hàn, gan, thận và ung thư. Để xác định được mối liên quan, chất lượng nước thì có thể kiểm tra các thông số hóa lý, vi sinh.

 

Ông Khánh cho biết qua kiểm tra ngẫu nhiên, trung tâm đánh giá có 70% trong tổng số mẫu nước của người dân không đạt. Từ đó, trung tâm khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng nguồn nước giếng, chuyển qua sử dụng nước máy. Bên cạnh đó, để hiệu quả hơn thì cũng cần có sự tham gia của chính quyền địa phương trong việc vận động người dân trám lấp giếng. Đồng thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp khoan giếng mới.

Trong vai trò quản lý, cung cấp nước sạch, ông Trần Quang Minh, Tổng giám đốc Sawaco, cho biết năm 2018 đơn vị đã khai thác nước ngầm với mức 100.000 m3/ngày để phục vụ người dân, đến nay đã giảm xuống còn 30.000 m3/ngày.

Sở dĩ Sawaco sử dụng nước ngầm là do nước mặt chưa đảm bảo hoặc do nhà máy xa nên chưa thể phục vụ người dân. Do đó Sawaco đã khai thác nước ngầm, tiến hành xử lý sau đó mới cung cấp cho người dân.

Ông Minh cho biết trong nhiều năm qua, Sawaco và các đơn vị cấp nước thành viên đã nỗ lực đảm bảo cung cấp an toàn, liên tục cho người dân TP. Để thực hiện mục tiêu 100% hộ dân TP được cấp nước sạch theo nghị quyết của HĐND TP, nhu cầu về vốn đầu tư phát triển mạng lưới, gắn mới đồng hồ nước là rất lớn. Theo đó, Sawaco đã tập trung phát triển mạng lưới tới từng khu vực. Đồng thời đơn vị cũng đưa ra các lợi ích và tác hại của việc sử dụng nước ngầm cho người dân hiểu rõ.

Tuy nhiên, trong tình hình đó, có rất nhiều khu vực đã đầu tư mạng lưới tuyến ống cấp nước, gắn đồng hồ nước nhưng người dân vẫn tiếp tục sử dụng nước ngầm, không sử dụng nước sạch hoặc sử dụng rất ít (1-4 m3/tháng). Nguyên nhân chủ yếu là sự dễ dàng trong khai thác nước ngầm, thói quen sử dụng nước ngầm đã có từ lâu và chi phí sử dụng nước ngầm rẻ hơn so với nước sạch.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết khu vực các quận 8, 12, Tân Bình, Tân Phú và các huyện Hóc Môn, Củ Chi là những địa phương sử dụng nước giếng, nước ngầm nhiều nhất.

Bên cạnh đó, do chất lượng nước và áp lực nước ở những khu vực cuối nguồn còn chưa được ổn định cũng là nguyên nhân dẫn đến khách hàng có tâm lý e ngại khi chuyển sang sử dụng nước sạch.

Trong thời gian tới, Sawaco sẽ tập trung đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục, chất lượng theo quy định, sẵn sàng đáp ứng đủ yêu cầu sử dụng nước sạch của khách hàng. Đơn vị cũng chú trọng công tác khảo sát nhu cầu sử dụng nước trong khu vực, xác định tiêu chí chỉ gắn đồng hồ nước cho những khách hàng thật sự có nhu cầu sử dụng nước sạch.

Bên cạnh đó, Sawaco sẽ kiến nghị để khuyến khích doanh nghiệp và người dân ở một số khu vực được sử dụng biểu giá linh hoạt. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp giảm thiểu khai thác nước ngầm và sử dụng nước sạch.

“Chúng tôi mong muốn các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước và truyền thông tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần giảm thiểu khai thác nước ngầm. Sawaco có thể đảm bảo đủ nguồn nước sạch để cung cấp cho người dân” - ông Minh cho biết.•

Khoan giếng có phải xin phép không?

Ông Huỳnh Thanh Nhã, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản, Sở TN&MT TP.HCM, cho biết việc khoan giếng đối với hộ gia đình thì không cần phải xin phép, tuy nhiên đơn vị tới khoan phải có giấy phép.

Theo ông Nhã, việc xử lý người hành nghề khoan giếng là trách nhiệm của Sở TN&MT. Tuy nhiên, theo quy định thì sở chỉ kiểm tra được những đơn vị có giấy phép. Hầu hết các đơn vị này đều báo cáo định kỳ cho Sở TN&MT.