TP.HCM: Hạn chế khai thác nước ngầm, bảo đảm an toàn sức khỏe và môi trường sống

Ngày 27.4, tại Nhà máy nước Thủ Đức, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn phối hợp báo Tuổi Trẻ tổ chức Tọa đàm "Đảm bảo nguồn cung nước sạch - Hạn chế khai thác nước ngầm".
Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, tình trạng khai thác nước ngầm trên địa bàn TP.HCM thời gian qua khiến nước ngầm đang suy giảm. Điều này dẫn đến hậu quả là việc sụt lún mặt đất xảy ra nhiều, dẫn đến ô nhiễm chất lượng nguồn nước và xâm nhập mặn ở nhiều khu vực...


Ông Đào Phú Khánh, Phó trưởng khoa Sức khỏe y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (giữa) phát biểu tại chương trình-Ảnh: Tú Viên

Tại tọa đàm, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, y tế... cùng bàn giải pháp bảo vệ nguồn nước, cũng như chuyển đổi thói quen sử dụng nước ngầm chưa qua xử lý của người dân. Các chuyên gia kiến nghị cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng về hậu quả của việc khai thác, sử dụng nước ngầm quá mức, khuyến khích sử dụng nước sạch.

Các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn phải đồng bộ từ cơ quan truyền thông báo chí đến cơ quan, đơn vị, hệ thống chính trị và ở từng địa bàn dân cư. Thành phố cần đưa ra lộ trình giảm số lượng giếng khai thác nước ngầm cụ thể để huy động trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân cùng chung tay bảo vệ nguồn nước ngầm.

Các chuyên gia đánh giá, nước ngầm là công cụ tốt thích ứng với biến đổi khí hậu, thay vì khai thác không đúng kỹ thuật gây ảnh hưởng môi trường, chúng ta có thể suy nghĩ khai thác nước ngầm hiệu quả, như nguồn dự phòng các sự cố xảy ra từ môi trường.

Ông Đào Phú Khánh - Phó trưởng khoa Sức khỏe y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM thông tin, qua kiểm tra ngẫu nhiên chất lượng nước khoan giếng có đến 70% không đạt tiêu chuẩn (298/398 mẫu). Việc sử dụng nước ngầm chưa qua kiểm định chất lượng, nhiễm tạp chất gây ra các loại bệnh.

“Nếu là bệnh cấp tính như tiêu chảy, thương hàn... còn mãn tính về lâu dài chúng ta rất khó phát hiện, nhưng nguy cơ gây hại đến các cơ quan như gan, thận, thậm chí gây ung thư do sử dụng chất độc hại trong nước thời gian dài”, ông Khánh chia sẻ.

Qua đó, ông Khánh khuyến cáo cần ưu tiên tập trung sử dụng nước máy do mạng lưới cấp nước của TP cung ứng để đảm bảo sức khỏe.

Ông Trần Quang Minh, Tổng giám đốc Sawaco phát biểu tại chương trình-Ảnh: Tú Viên

 

Phát biểu tại toạ đàm, ông Trần Quang Minh, Tổng giám đốc Sawaco cho biết, thống kê các tháng đầu năm có khoảng 160.000 đồng hồ nước không sử dụng, chiếm tỉ lệ 12%. Với chi phí đầu tư 3-5 triệu đồng/đồng hồ, xét góc độ nào đó, đây là sự lãng phí lớn.

Theo ông Minh, các hộ dân thường lo ngại về vấn đề chi phí khi sử dụng nước máy. Để khuyến khích người dân chuyển sử dụng nước ngầm chưa qua xử lý sang nước sạch, ngoài tuyên truyền vận động, Sawaco tính tới việc giảm tiền nước sạch cho người dân ở một số khu vực.

“Chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan truyền thông cùng đồng hành để có thể lan tỏa thông điệp chuyển đổi sử dụng nước giếng sang nước máy, bảo đảm an toàn sức khỏe và môi trường sống”, ông Minh nói.

Khách mời tham quan toàn bộ quy trình xử lý nước tại Tổng công ty Sawaco (TP.Thủ Đức)-Ảnh: Tú Viên

 

Hiện nay, có hai nhóm đối tượng sử dụng nguồn nước ngầm. Đối với nhóm đối tượng là doanh nghiệp sử dụng nước ngầm phải xin phép, có cam kết kế hoạch giảm khai thác rõ ràng, phụ thuộc vào điều kiện thực tế. Nhóm đối tượng thứ 2 là người dân sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt, sản xuất, tưới tiêu.

Nguyên nhân chủ yếu việc người dân không sử dụng nước sạch là sự dễ dàng trong khai thác nước ngầm, thói quen sử dụng nước ngầm đã có từ lâu và chi phí sử dụng nước ngầm thấp hơn so với sử dụng nước sạch. Bên cạnh đó, do chất lượng nước và áp lực nước ở những khu vực cuối nguồn còn chưa được ổn định cũng là nguyên nhân dẫn đến khách hàng có tâm lý e ngại khi chuyển sang sử dụng nước sạch…

Thời gian tới, ngành cấp nước tiếp tục tập trung bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục, chất lượng theo quy định, sẵn sàng đáp ứng đủ yêu cầu sử dụng nước sạch của khách hàng, chú trọng công tác khảo sát nhu cầu sử dụng nước trong khu vực, xác định tiêu chí chỉ gắn đồng hồ nước cho những khách hàng thật sự có nhu cầu sử dụng nước sạch. Cùng với đó, phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng, chính quyền địa phương thực hiện các chương trình vận động người dân sử dụng nước sạch, tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của việc khai thác nước ngầm không kiểm soát.