Giữ vững mục tiêu cấp nước an toàn

Đảm bảo cung cấp nước sạch cho TPHCM liên tục 24/7 với chất lượng nước theo quy định là yêu cầu hàng đầu mà Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đặt ra trong quá trình hoạt động của mình. Với việc tiếp cận, triển khai chương trình “Kế hoạch cấp nước an toàn” do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban hành, ngành nước thành phố đã chủ động trong đảm bảo an toàn cấp nước, hướng tới xây dựng hệ thống cấp nước thông minh, góp phần cho sự phát triển bền vững của TPHCM.

Nhân viên Phòng Quản lý chất lượng nước Sawaco kiểm tra nguồn nước đầu vào tại Nhà máy nước B.O.O Thủ Đức

Cấp thiết triển khai hành lang bảo vệ

Theo ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng giám đốc Sawaco, nước sạch là một nhu cầu thiết yếu cho nhiều hoạt động của con người. Ngày nay, cùng với sự phát triển của điều kiện kinh tế, xã hội, khách hàng sử dụng nước sạch cũng yêu cầu chất lượng nước và dịch vụ cấp nước phải ngày càng nâng cao. Bên cạnh đó, dưới tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, tài nguyên nước là một trong những nhân tố bị ảnh hưởng nhiều, như: thay đổi về lưu lượng nước, mực nước biển dâng cao, tác động của độ nhiễm mặn... Ngoài ra, nguồn nước còn chịu thêm tác động từ ô nhiễm môi trường do chất thải từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất nông, công nghiệp... Điều đó đòi hỏi làm sao đảm bảo cung cấp nước an toàn cho khách hàng là một yêu cầu cấp thiết mà các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cấp nước phải gấp rút thực hiện.

Ông Bùi Thanh Giang cho biết, hiện nay đơn vị đảm nhận cung cấp nước cho hầu hết địa bàn ở TPHCM, trừ huyện Củ Chi, sản lượng cung cấp 1,9 triệu m3/ngày, trong đó sản lượng nước ngầm chiếm 3%. Theo chủ trương của TPHCM, Sawaco đang thực hiện lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm. Ngành cấp nước đặt mục tiêu giảm mạnh việc khai thác nước ngầm bằng cách tập trung đầu tư lắp đặt hệ thống mạng lưới cấp nước nhằm bao phủ toàn thành phố. Từ năm 2017, Sawaco đã hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch cho 100% hộ dân qua nhiều giải pháp như phát triển mạng lưới, gắn đồng hồ, bồn chứa nước tập trung.

Theo chương trình “Kế hoạch cấp nước an toàn” do WHO đưa ra, ngành nước phải thực hiện giải pháp nhằm ngăn chặn kịp thời, hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra đối với hệ thống cấp nước. Riêng tại Việt Nam, khi áp dụng chương trình này, các đơn vị phải chủ động uyển chuyển cho phù hợp với điều kiện thực tế cũng như hiện trạng cấp nước tại đơn vị.

“Hệ thống cấp nước của TPHCM do Sawaco quản lý và vận hành là hệ thống cung cấp nước sạch lớn nhất tại Việt Nam, đảm bảo cung cấp cho đô thị trên 10 triệu dân, đã được hình thành, phát triển hơn 140 năm. Dù đơn vị đã cố gắng triển khai các giải pháp để đảm bảo hoạt động xử lý và cung cấp nước sạch của mình, tuy nhiên, vẫn còn nguy cơ có thể ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp nước sạch cho thành phố”, ông Bùi Thanh Giang chia sẻ. Cụ thể là chất lượng nguồn nước thô đang bị ô nhiễm và xâm nhập mặn. Cùng với đó, mạng lưới cấp nước đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển khác nhau nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị ăn mòn gây ra rò rỉ, xì bể trên đường ống.

Chủ động ứng phó rủi ro

Trước nhiệm vụ cung cấp nước sạch ổn định, liên tục, chất lượng nước luôn đảm bảo theo quy định, Sawaco nỗ lực tìm các giải pháp để xử lý và cung cấp nước sạch chất lượng đến người dân. Cụ thể, đơn vị đã tiếp cận “Kế hoạch cấp nước an toàn” do WHO triển khai và áp dụng chương trình này từ năm 2009 đến nay. Theo ông Bùi Thanh Giang, bên cạnh xây dựng chương trình chung, hiện nay đơn vị đã cập nhật và chỉnh sửa lần thứ 3 cho phù hợp với các điều kiện vận hành hệ thống cấp nước thực tế. 

Ngoài ra, mỗi đơn vị cũng xây dựng chương trình “Kế hoạch cấp nước an toàn” riêng cho mình. Đồng thời xây dựng hệ thống nhận diện các rủi ro đối với hệ thống cấp nước do đơn vị quản lý; xây dựng các điểm quan trắc tại họng thu nước thô, công đoạn xử lý nước. Bên cạnh đó, có giải pháp quan trắc rủi ro như: thiết bị giám sát chất lượng nước online, giám sát áp lực để xác định giới hạn nguy hiểm, giới hạn hành động các chỉ tiêu quan trọng cũng được triển khai ở từng đơn vị. Từ đó, ngành nước xây dựng quy trình ứng phó với các giới hạn hành động, giới hạn nguy hiểm đã được xác định. 

Thực tế, từ khi triển khai áp dụng chương trình cấp nước an toàn, Sawaco và đơn vị thành viên đã chủ động hơn trong hoạt động cung cấp nước sạch cũng như ứng phó các sự cố liên quan đến chất lượng nguồn nước, sự cố bên ngoài ảnh hưởng đến hoạt động xử lý, cung cấp nước sạch. Tất cả sự cố khi xảy ra trên hệ thống cấp nước, Sawaco đều có phương án điều tiết mạng lưới cấp nước thông qua điều tiết các van trên mạng lưới đường ống truyền tải nước sạch. Tùy từng sự cố, các đơn vị có thêm phương án ứng phó đặc thù. “Nhờ áp dụng Kế hoạch cấp nước an toàn, thời gian qua đơn vị đã xử lý ổn thỏa nhiều sự cố khách quan xảy ra làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ cấp nước; giúp người dân nhận được dịch vụ cung cấp nước sạch liên tục, ổn định về chất lượng, cũng như hiện đại trong cách phục vụ”, ông Bùi Thanh Giang chia sẻ.

 

Tiêu chí cấp nước an toàn đã được Bộ Xây dựng ban hành tại Thông tư 08/2012 và Quyết định 1566 của Thủ tướng Chính phủ về việc “phê duyệt chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025”. Theo đó, cấp nước an toàn phải đảm bảo cấp đủ số lượng, đảm bảo áp lực; liên tục, ổn định 24/7. Chất lượng nước đầu ra phải đảm bảo đạt QCVN 01:2009/BYT và QCVN 02:2009/BYT; chất lượng nước tại điểm phân phối cho khách hàng phải đảm bảo chất lượng ổn định, đạt tiêu chuẩn, an toàn về mặt vi sinh, hóa học, lý học.